Sự nghiệp Y_Moan

Y Moan tên đầy đủ là Y Moan Êñuôl, tên thật là Y Bliêo, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1957 tại buôn M’Ðrắk (nay là huyện M'Đrăk, Đắk Lắk) trong một gia đình dân tộc Ê Đê, sau chuyển về sinh sống tại buôn Dhă, xã Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nhà nghèo, cuối lớp 6 ông phải bỏ học để giúp cha mẹ làm nương rẫy[2].

Năm 1975, khi 18 tuổi, ông được tuyển vào Đoàn văn công giải phóng Đắk Lắk, làm quen dần với âm nhạc chính thống và nhanh chóng trở thành một ca sĩ hát chính của Đoàn. Năm 1976, ông đoạt huy chương vàng tại hội diễn ca múa nhạc toàn quốc[2].

Năm 1979, ông vào học ở Nhạc viện Hà Nội. Tại đây, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã phát hiện ra tài năng của Y Moan và bồi dưỡng cho ông. Sau đó, Y Moan cũng đã tiếp tục được tu nghiệp tại Bulgaria, Đức, Nga, Hungary, Romania.

Năm 1981, Sở Văn hóa – Thông tin Ðắk Lắk mời nhạc sĩ Nguyễn Cường vào Ðắk Lắk để sáng tác các ca khúc cho tỉnh và đây cũng được coi như một bước ngoặt lớn đưa sự nghiệp của Y Moan lên đến đỉnh cao. Tên tuổi của Y Moan được khẳng định từ đây, không chỉ trong phạm vi cộng đồng các buôn làng Tây nguyên mà còn đưa Tây nguyên đến với công chúng Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Ông thành công với các nhạc sĩ sáng tác phong cách Tây Nguyên như: Trần Tiến, Nguyễn Cường, Y Phôn Ksơr, Mạnh Trí, Linh Nga, Đức Hùng, Quang Dũng, Vũ Lân, Sĩ Hùng... Những ca khúc của Nguyễn Cường được Y Moan biểu diễn rất thành công như "Ơi M’Ðrắk", "Ly cà phê Ban Mê", "Anh muốn sống bên em trọn đời",...

Y Moan đã từng biểu diễn ở nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp, v.v...

Không chỉ ca hát, ông còn sáng tác nhiều bài hát về Tây Nguyên, như Bài ca quê hương, Đi chơi với gió.

Năm 1997, Y Moan được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, ngày 4 tháng 8 năm 2010, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc[3].

Ông qua đời ngày 1 tháng 10 năm 2010 tại Buôn Ma Thuột bởi căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng dương 53 tuổi[4].

Gắn bó với quê hương

Y Moan cả một đời gắn trọn và yêu thương mảnh đất Tây Nguyên, không bao giờ chịu xa rời nó. Ông vẫn sống cùng gia đình trong một ngôi nhà của buôn làng Tây Nguyên vừa ca hát, vừa làm cà phê. Ông có lần phát biểu cảm nghĩ:

Cuộc đời tôi vừa được ca hát, vừa trồng cà phê, vừa được sống giữa núi rừng, sống với thiên nhiên. Người ta vẫn hỏi tôi, tại sao không dời nhà về thành phố, tại sao không đi diễn nhiều, tại sao không làm kinh tế, câu trả lời của tôi rất giản dị, tôi yêu cuộc sống ở cao nguyên, tôi yêu thiên nhiên quê mình, tôi thích cách sống như vậy, và dù không biết đó có phải là lựa chọn đúng hay không, nhưng tôi không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình.
— Y Moan

[5]

Đời thường, Y Moan là một người nông dân thực thụ[2][6]. Hàng ngày, ông vẫn lên nương, lên rẫy[6] và dạy cho con em biết đàn, biết hát.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Y_Moan http://ngoisao.net/News/Hau-truong/2010/08/3B9D0BA... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://www.baodatviet.vn/doi-song/du-lich/chuyen-c... http://cand.com.vn/vi-VN/nguoinoitieng/2010/8/1324... http://dantri.com.vn/c23/s23-413287/nsut-y-moan-sa... http://laodong.com.vn/van-hoa/le-cong-bo-danh-hieu... http://danviet.vn/van-hoa/y-moanlua-cao-nguyen-kho... http://www.sggp.org.vn/amnhac/2010/8/233330/ http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/nguoi-ph... http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/403570/Vinh-bie...